Văn xuôi

         N gày 02.09.1969, trái tim vĩ đại của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ngừng đập. Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một bản di chúc vô cùng quan trọng .
         Trong phần đầu của bản di chúc, Bác Hồ đã viết :
         Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng  “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ bảy mươi, xưa nay hiếm”.
          Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây …”
         Trong phạm vi bài viết này, tôi không có ý định phân tích những giá trị tư tưởng của bản di chúc vì điều ấy vô cùng to lớn. Ở đây, người viết chỉ muốn đi tìm lại xuất xứ câu thơ mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn . Đó là “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, đồng thời tìm hiểu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Đỗ Phủ, người được thiên hạ xưng tụng là Thi Thánh .
   I- VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI ĐỖ PHỦ :
                Đỗ Phủ ( 712-770 ) là nhà thơ rất nổi tiếng đời nhà Đường. Cùng với Lý Bạch và Bạch Cư Dị, ông được xem là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc .
            Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc đã sa sút, sinh năm 712 tại làng Đỗ Lăng, phủ Kinh Triệu, tỉnh Thiểm Tây. Ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ nổi tiêng thời Sơ Đường ; cha là Đỗ Nhàn có làm quan .
             - Từ lúc chào đời cho đến năm 746 ( 35 năm ) : Đỗ Phủ sống giữa thời kỳ phồn vinh của xã hội phong kiến đời Đường. Ông bắt đầu sáng tác năm 7 tuổi và đến năm 14 tuổi đã trở thành nhà thơ trẻ được các bậc đàn anh mến phục. Năm 744, Đỗ Phủ gặp nhà thơ Lý Bạch tại Lạc Dương và hai người đã kết bạn vong niên ( Lý Bạch lớn hơn Đỗ Phủ 11 tuổi ) .
              - Từ năm 746 đến 755 : Đỗ Phủ vô cùng  lận đận trên con đường công danh, bị gian thần hãm hại nên dù có tài ông cũng chỉ làm chức quan nhỏ( Công Bộ Viên Ngoại Lang ). Cuộc sống gian nan cực khổ trong thời kỳ này đã khiến Đỗ Phủ sáng tác hàng loạt bài thơ giàu tính hiện thực làm xúc động lòng người . Thơ ca của ông đã chuyển sang một giai đoạn mới : Chủ nghĩa hiện thực phê phán .
              Tháng 11 năm 755, Tiết Độ Sứ An Lộc Sơn nổi loạn đem quân cướp ngôi nhà Đường và đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh suốt nhiều năm trời .
              - Tháng 7 năm 759, Đỗ Phủ từ quan và phải chạy loạn nhiều nơi, cuộc sống rất vất vả, gian nan. Qua bao năm lưu lạc, giờ đây tuổi già sức yếu, ông thường xuyên bệnh hoạn. Cuộc sống đói rét bệnh tật cứ dày vò nhà thơ mãi. Mùa đông năm 770, Đỗ Phủ nhắm mắt lìa đời trong chiếc thuyền rách nát lênh đênh trên sông Tương, lúc 59 tuổi.
                               II- VỀ SỰ NGHIỆP THƠ CA :
   Đỗ Phủ đã để lại cho đời sau hơn 1400 bài thơ, chia thành 2 loại :
  - Cổ thể thi : Là loại thơ tự do, gồm 416 bài .
  - Cận thể thi : Là loại thơ cách luật, gồm 1037 bài .
               Thơ ông chính là nỗi đau của bản thân mình hòa chung với nỗi đau của nhân dân, của đất nước. Đọc thơ Đỗ Phủ, ta thấy được diện mạo xã hội đời Đường từ thời kỳ hưng thịnh đến suy vong, đặc biệt là trong hơn 20 năm khói lửa chiến tranh. Vì vậy, người ta gọi thơ ông là Thi sử. Có thể kể đến những bài thơ nổi tiếng và tiêu biểu của Đỗ Phủ như sau :
 - Đăng cao, Binh xa hành, Khúc giang .
 - Mao ốc vi thu phong sở phá ca .
                     - Thu hứng ( 8 bài ).
                     - Tam lại : Thạch Hào lại, Đồng Quan lại, Tân An lại .
                     - Tam biệt : Thùy lão biệt, Tân hôn biệt, Vô gia biệt ….
              Từ thơ ngũ ngôn đến thất ngôn, cổ thể hay cận thể ; nếu qua tay Đỗ Phủ đều trở nên xuất sắc, nhuần nhuyễn. Ông nắm rất vững thanh vận của ngôn ngữ Trung Quốc, phát huy nó tối đa để tạo được sức truyền cảm của thơ. Ngoài ra ông còn sáng tạo những hình ảnh thi vị, mới mẻ, giàu sức truyền cảm, trong thơ có những ý tưởng, khí phách lớn lao. Với những cống hiến xuất sắc cho kho tàng Đường thi nên Đỗ Phủ được người đời tôn vinh là Thi Thánh .
             III- VỀ CÂU THƠ ĐƯỢC BÁC HỒ TRÍCH DẪN :
              Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn câu : “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.
             Câu này có ý nghĩa đơn giản là con người sống được bảy mươi tuổi là hiếm có. Đây là nhận xét rất đúng với đời sống con người ngày xưa, khi xã hội còn nghèo nàn lạc hậu, nền văn minh của nhân loại chưa được phát triển .
             Câu thơ được trích trong bài KHÚC GIANG KỲ NHỊ của Đỗ Phủ, sáng tác năm 757 trong thời gian làm quan tại Tràng An, lúc đó tác giả 45 tuổi . Bài thơ như sau :
                                               KHÚC GIANG kỳ nhị
                                        Triều hồi nhật nhật điển xuân y
                                        Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
                                        Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
                                         Nhân sinh thất thập cổ lai hy  (*)
                                         Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
                                         Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi
                                         Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
                                         Tạm thời tương thưởng mạc tương vi .
                                                                                      ĐỖ PHỦ
(*) : Câu thơ được Bác Hồ trích dẫn .
                                                   SÔNG KHÚC phần 2
                                         Tan chầu lại cởi áo đem vay
                                         Túy lúy đầu sông cuối mỗi ngày
                                          Nợ rượu bao phen đều ngõ xóm
                                          Đời người bảy chục hiếm xưa nay
                                          Vờn hoa bươm bướm tung tăng lượn
                                          Giỡn nước chuồn chuồn phấp phới bay
                                          Phong cảnh nhớ cho luôn biến đổi
                                          Hưởng đi, kẻo tiếc nuối sau này  !
                                                                             LÊ NGỌC THẠC
                                                                                ( Phỏng dịch )
              Chủ Tịch Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Ông ngoại là cụ Tú Hoàng Xuân Đường, một nhà Nho nổi tiếng uyên thâm Hán học ở xứ Nghệ; cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc ( Nguyễn Sinh Huy ) đỗ Phó Bảng và từng làm Thừa biện bộ Lễ rồi đến Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định .
                Kế thừa tuyền thống Nho học của gia đình; trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác còn nghiên cứu và tiếp thu những học thuyết, những tư tưởng lớn của phương Tây. Sự hòa quyện hai nền văn hóa Đông-Tây dẫ hình thành nên một lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại : Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới .
                                                                                                LÊ NGỌC THẠC 
                                                                      (PCN. CLB. Thơ Ca Mây Hồng-Tỉnh Đồng Tháp )

                                        NGÀY XUÂN, NHỚ CÀNH MAI
                                  CỦA THIỀN SƯ MÃN GIÁC 
               Vào thời nhà Lý (1009-1225), Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt. Đạo Phật gần như là quốc giáo, nhiêù vị thiền sư được triều đình trọng vọng. Họ là những con người lỗi lạc. đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách của dân tộc .
               Trong số đó, Mãn Giác thiền sư là một vị cao tăng có tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Ông đã để lại cho đời sau một bài thơ bất hủ, đó là bài Cáo tật thị chúng ( Có bệnh bảo mọi người ). Với bài thơ này, ông được xem là một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng văn thơ thời Lý-Trần.
               Nhân dịp xuân về, trăm hoa đua nở, chúng ta có thể dành một chút thời gian để nhớ về cành mai của Người .

               I- VÀI NÉT VỀ MÃN GIÁC THIỀN SƯ :
                Mãn Giác thiền sư (1052-1096) tên thật là Lý Trường, còn Mãn Giác thiền sư là pháp danh do vua Lý Nhân Tông tặng khi ông viên tịch.
                Thiền sư là con của Trung Thơ Viên Ngoại Lang Lý Hoài Tố và là học trò của Quảng Trí thiền sư. Là người có tài trí nên ông được chọn vào dạy cho Thái Tử Càn Đức (1071). Sau này Thái Tử Càn Đức lên ngôi (tức là Lý Nhân Tông), ngài rất trọng thầy học, nên sai dựng chùa Giáo Nguyên ở bên cạnh cung Cảnh Hưng cho ông trụ trì để tiện việc thăm hỏi và bàn bạc chính sự .
                Mãn Giác thiền sư là người rất uyên thâm cả Nho và Phật. Trước khi vào cung ông đã có nhiều học trò và đã trở thành một thần tượng trong thế hệ thứ 8 của dòng thiền Quang Bích .
                 Ông mất năm 1096 ( đời Lý Nhân Tông ), khi mới 44 tuổi .

               II- VỀ BÀI THƠ CÁO TẬT THỊ CHÚNG :
                 Thật ra đây là một bài kệ ( kinh kệ ). Kệ là một thể loại văn học Phật giáo thường viết dưới hình thức thơ, tóm tắt tư tưởng của một bài thuyết pháp để dạy đệ tử, nên còn được gọi là thi kệ .
                 Theo sách Thiền Uyển tập anh, bài Cáo tật thị chúng ra đời vào ngày 30.11.1096. Khi Mãn Giác thiền sư lâm bệnh nặng, ông đã viết bài kệ này để dặn dò và giáo huấn các đệ tử .

                  Do tâm hồn và tài năng của Mãn Giác thiền sư, nên Cáo tật thị chúng không chỉ là bài kệ khô khan mà đã trở thành một thi phẩm bất hủ, sống mãi với thời gian. Bài thơ được viết dưới hình thức “ lục cú hỗn thể” với 4 câu đầu ngũ ngôn và 2 câu sau thất ngôn.

                                                   CÁO TẬT THỊ CHÚNG

                                                 Xuân khứ bách hoa lạc      
                                                 Xuân đáo bách hoa khai
                                                 Sự trục nhãn tiền quá
                                                 Lão tòng đầu thượng lai
                                                 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
                                                 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai .                      
                                                                                     MÃN GIÁC THIỀN SƯ

                                             CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI

                                                 Xuân đi trăm hoa rụng
                                                 Xuân đến trăm hoa khai
                                                 Sự đời trôi trước mắt
                                                 Trên đầu tóc đã phai
                                                 Nào phải xuân tàn hoa rụng hết
                                                 Đêm qua, sân trước một cành mai .                  
                                                                                             LÊ NGỌC THẠC          
                                                                                               ( Phỏng dịch )

            Trong giờ phút lâm chung, trước đầy đủ các sư tăng, thiền sư đã đọc bài thi kệ này như lời di chúc của một vị chân tu đối với các đệ tử và cho tất cả mọi người. Đọc xong, Người qua đời !

                 Bài thơ đã nêu một vấn đề muôn thuở của đời người mà biết bao thế hệ phải trăn trở, đó là lẽ tử-sinh ! Nội hàm bài thơ ẩn chứa triết lý đạo Phật cao sâu và ngôn ngữ biểu hiện thì giàu hình ảnh , đậm tính nghệ thuật .
                 Thiền sư đã đi từ tư duy trực giác để hình thành nên một biểu tượng bất hủ, đó là “nhất chi mai” ( một cành mai ).
                  - Hai câu đầu, tác giả nêu quy luật của tự nhiên :
                                  Xuân đi trăm hoa rụng 
                                  Xuân đến trăm hoa khai 
                   Khi mùa xuân đi qua thì trăm hoa rụng, khi mùa xuân về thì trăm hoa đua nở. Đây là quy luật tuần hoàn của tự nhiên và là dòng chảy bất tận của thời gian. Lối diễn đạt giàu hình ảnh và cảm xúc đã làm câu kệ vốn khô khan trở thành hay và đẹp biết bao !
                 - Hai câu tiếp theo là quy luật của đời người :
                                   Sự đời trôi trước mắt
                                   Trên đầu tóc đã phai 
                    Sự đời vận động không ngừng qua trước mắt. Còn đối với con người, có sinh ắt có tử, khỏe mạnh rồi cũng có lúc bệnh tật, có tuổi trẻ rồi sẽ đến tuổi già … Sinh-lão-bệnh-tử, đây là một quy luật của kiếp nhân sinh, không thể khác đi được. Triết lý ẩn chứa trong hai câu này là hãy yêu cuộc đời và chấp nhận nó một cách than thản vì đây là lẽ thường tình, không có gì đáng sợ cả .

                  Có một vị thiền sư đã nói : “ Trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó .”
                 - Bài thơ khép lại bằng hai câu thất ngôn tuyệt bút mà người đời xưa nay thường ca tụng là những vần thơ bất h: 
                                      Nào phải xuân tàn hoa rụng hết
                                      Đêm qua, sân trước một cành mai .      
                   Hình ảnh “nhất chi mai” ( một cành mai ) tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết, thancao của thiên nhiên và con người. Trong bài thơ này, cành mai nở hoa trong buổi xuân tàn đã được thiền sư lấy đó để thể hiện nhân sinh quan của một vị chân tu : Vạn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi, đời người có sinh-lão-bệnh-tử … nhưng người tu hành chân chính, đắc đạo có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử như cành mai nở hoa trong buổi xuân tàn, khi trăm hoa đã rụng hết .
                   Ngoài ra, hình ảnh cành mai như một lời nhắc nhở đối với các đệ tử nói riêng và mọi người nói chung rằng : Hãy sống thế nào để mọi lời nói và hành động của mình đều có thể đem lại hạnh phúc, an vui cho người khác và như vậy mỗi người chúng ta đều có ngày sẽ đến với mùa xuân trường cữu của cõi lòng mình. 
                  Bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư đã đi suốt hành trình gần một thiên niên kỷ và hình tượng “nhất chi mai” đã trở thành bất tử với thời gian. Ở đây, tầm cao triết lý Phật giáo hòa quyện với chất thơ, được biểu hiện bằng những lời thơ giàu hình tượng và cảm xúc , đậm tính nghệ thuật. Đúng là một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương .
                    Nhân ngày xuân, đọc lại bài thơ, chúng ta thêm trân trọng tinh thần lạc quan yêu đời, thái độ ung dung tự tại của thiền sư trước lẽ tử-sinh của cuộc đời, thôi thúc chúng ta vươn tới một cuộc sống có ích, vì mọi người. Dẫu sau này có chết đi cũng chỉ là chết phần thể xác, còn sự nghiệp và tiếng thơm sẽ sống mãi với thời gian như cành mai đã đi vào cõi trường sinh. Xin mượn câu thơ sau đây của đại thi hào Nguyễn Du để thay lời kết :

                                         “ Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

                                                                                ( Truyện Kiều )

                                                                               LÊ NGỌC THẠC                                                     
                                                        ( CLB. Thơ Ca Mây Hồng-Tỉnh Đồng Tháp )

              Xin trân trọng giới thiệu thêm 2 bản dịch bài thơ trên để quý thi hữu tham khảo :

                                             Xuân đi muôn vạn hoa tàn
                                             Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
                                             Việc đời thế sự đi qua
                                             Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
                                             Chớ cho xuân hết hoa tàn
                                              Đêm qua sân trước nở vàng cành mai .

                                                                                         TẢN ĐÀ dịch.                                                                                               Xuân đi trăm hoa rơi
                                               Xuân đến trăm hoa nở
                                               Việc đời qua trước mắt
                                               Già theo đến trên đầu                          
                                               Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết                      
                                               Đêm qua sân trước một nhành mai .

                                                                           Hòa Thượng THÍCH CHÂN TUỆ dịch .

                                             ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN 
                    VỀ MÀU SẮC NAM BỘ TRONG THƠ VĂN 
                                  CỤ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
          N guyễn Đình Chiểu sinh ngày 01.07.1822 ( 13.05 Nhâm Ngọ ) ở làng Tân Thới , huyện Bình Dương thuộc Gia Định Thành , nay là TP. Hồ Chí Minh .
          Ông đỗ Tú Tài năm 1843 nhưng lại lỡ khoa thi Kỷ Dậu tại Huế ( 1849 )  vì phải về chịu tang mẹ và sau đó lâm vào cảnh mù lòa lúc mới 27 tuổi .
          Theo phong trào " Tị địa " , ông rời Gia Định về Cần Giuộc ( Long An ) và tiếp tục về Ba Tri ( Bến Tre ) sống đến cuối đời .
                               Vì câu danh nghĩa phải đi ra
                               Day mũi thuyền nam dạ xót xa .
                                                                        ( Từ biệt cố nhân )
           Ô ng mở trường dạy học , bốc thuốc trị bệnh và sáng tác thơ văn . Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã đóng góp rất lớn cho dòng văn học yêu nước Nam bộ thời chống Pháp . Những tác phẩm tiêu biểu như : Lục Vân Tiên , Dương Từ Hà Mậu , Ngư Tiều y thuật vấn đáp , Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc , Văn tế Trương Định ... và nhiều bài thơ nổi tiếng khác .
          Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có giá trị về nhiều mặt , nhưng ở đây chỉ xin nêu mấy suy nghĩ về màu sắc Nam bộ trong những sáng tác của Ông mà thôi .
                   1- DIỆN MẠO CỦA NAM KỲ LỤC TỈNH :
          Dưới ngòi bút góc cạnh , đậm đà của Ông ; đất trời Nam Kỳ Lục Tỉnh dần dần hiện ra qua các địa danh như : Đồng Nai , Bến Nghé , Gia Định , Gò Công , sông Cần Giuộc , chợ Trường Bình , chùa Tôn Thạnh ...
                   - Chạy giặc :
                           Bến Nghé của tiền tan bọt nước
                           Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây .
                   - Điếu Trương Định :
                           Đồng Nai , Chợ Mỹ lo nhiều phía
                           Bến Nghé , Sài Gòn kể mấy đông .
                   - Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh :
                           Trời Gia Định ngày chiều rạng ráng
                            Đất Biên Hòa đêm vắng trăng lờ ...
                            Gần Côn Lôn , xa Đại Hải , máu thây trôi nổi ai nhìn ...
                   - Văn tế Trương Định :
                            Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt , thương đấng anh hùng
                             gặp lúc gian truân ;
                            Đất Gò Công cây cỏ ủ ê , cám niềm thần tử hết lòng trung
                             ái  ...
                             Rạch Lá , Gò Công mấy trận , người thấy đã kinh ;
                             Cửa Khâu , Trại Cá , ai nghe chẳng hãi  .
                    - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc :
                             Đoái sông Cần Giuộc , cỏ cây mấy dặm sầu giăng ;
                             Nhìn chợ Trường Bình , già trẻ hai hàng lụy nhỏ  ...
                             Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh , tấm lòng son
                             gởi lại bóng trăng rằm ...
          Bức tranh Nam Kỳ Lục Tỉnh được khắc họa bằng những từ ngữ " đặc sệt " chất Nam bộ như  :
                  - Thế đất : Gành , vực , bàu , vũng , vịnh , doi ...
                  - Con vật : Chim quành quạch , chù lắt ( chuột ) , rắn rồng ...
                  - Những từ khác : Vùa hương ( bát cắm hương ) , qua ( tôi ) ,
                     bậu ( bạn ) , kiểng ( cảnh ) , ngươn ( nguyên ) , chở  đạo
                    ( tải đạo ) ...
        Những từ ngữ trên gợi ta nhớ đến một đất Nam bộ còn hoang sơ của thời " khẩn hoang , lập ấp " nhưng vô cùng phong phú về sản vật thiên nhiên qua các câu ca dao :
                           - Cà Mau khỉ khọt trên bưng
                             Dưới sông sấu lội , trên rừng cọp um  .
                           - Chiều chiều quạ nói với diều
                              Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm  .
                           - Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú
                             Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu  .
                            - Rộng đồng mặc sức chim bay
                              Biển , hồ lai láng cá bầy đua bơi  .
                            - Trời xanh , kinh đỏ , đất xanh
                              Đỉa bu , muỗi cắn khiến anh nhớ nàng ...
        Thế nhưng , Nam Kỳ Lục Tỉnh giàu đẹp giờ đây đã đắm chìm trong khói lửa chiến tranh và lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp ( ba tỉnh miền Đông vào năm 1862 , ba tỉnh miền Tây vào năm 1867 ) . Ông đã xác định rõ lập trường của mình trong bài thơ Xúc cảnh ( Ngóng gió đông ) :
                              Bờ cõi xưa đà chia đất khác
                              Nắng sương nay há đội trời chung  .
                 2- TÍNH CÁCH CỦA CON NGƯỜI NAM KỲ LỤC TỈNH :
         Cũng qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu , ta thấy thể hiện rất rõ những tính cách đặc trưng của con người Nam bộ như : Phóng khoáng , trọng nghĩa khinh tài , thẳng thắn , trung thực , không tính toán che đậy ... Thể hiện rõ nhất là ba nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên ( Vân Tiên , Hớn
Minh , Tử Trực ) và thông qua suy nghĩ , lời lẽ đối đáp của các nhân vật khác nữa .
                   - Hớn Minh kể chuyện bẻ cẳng tên công tử Đặng Sinh :
                              Tôi bèn nổi giận một khi
                               Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò  .
                   - Tả bọn cướp Phong Lai lộng hành :
                               Bây giờ xuống cướp thôn hương
                               Thấy con gái tốt qua đường bắt đi  .
                    - Chân thực , mộc mạc khi miêu tả cô gái đẹp :
                               Con ai vóc ngọc mình vàng
                               Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng  .
                    - Trịnh Hâm nói thẳng thừng khi mắng ông Quán :
                               Gối rơm theo phận gối rơm
                               Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao .
                    - Ông Quán cũng thẳng thắn không kém :
                               Quán rằng : Sấm chớp mưa rào
                               Ếch nằm đáy giếng thấy bao lăm trời ...
                               Uổng thay đàn khảy tai trâu
                               Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười  .
                    - Tả bộ mặt xấu xí , chai lì của Bùi Kiêm :
                               Còn ngươi Bùi Kiệm máu dê
                               Ngồi chai bề mặt như xề thịt trâu  .
                     - Bùi Kiệm tức giận trước thái độ trung thành của Nguyệt Nga :
                               Người ta chẳng lấy người ta                      
                               Người ta đâu lấy những là tượng nhân  .
                       Bằng ngôn ngữ thô ráp , góc cạnh , không trau chuốt , cứ như từ cuộc sống hàng ngày bước thẳng vào trang sách ; ông đã miêu tả tính cách tự do , phóng khoáng của con người Nam Kỳ Lục Tỉnh thật đúng và nghe thật sướng tai .
                        Tính cách đặc trưng Nam bộ này dễ tìm thấy trong kho tàng ca dao của nhân dân ta để lại . Tính cách ấy được hình thành và phát triển từ môi  trường sống , lao động sản xuất nơi vùng đất " khai hoang , mở cõi " này .
                              Thử điểm qua một vài câu ca dao :
                  - Cô gái nói thẳng lòng mình với chàng trai :
                        Thò tay ngắt một cọng ngò
                        Thương anh đứt ruột giả đò làm ngơ  .
                  - Thương nhau đến mức đòi cắt cả ruột gan :
                        Phải chi cắt ruột đừng đau
                        Chiều nay tôi cắt ruột tui đưa anh đem về  .
                   - Lấy thân thể của mình để làm thước đo tình yêu :
                        Tui xa mình không chết cũng đau
                        Thuốc bạc trăm không mạnh , mặt nhìn nhau mạnh liền  .
                   - Thương nhau đến cả nắm vạt áo :
                        Anh về em nắm vạt áo em la làng
                        Biểu anh phải bỏ chữ thương chữ nhớ lại giữa đàng cho
                         em  .
                    - Đôi khi hơi độc miệng một chút :
                         Anh có thương em thì cho em một đồng
                         Để em mua gan công , mật cóc em thuốc chồng rồi em
                         theo anh  ...
          Trên đây là mấy suy nghĩ tản mạn và có tính chất ban đầu về màu sắc Nam bộ trong thơ văn cụ Nguyễn Đình Chiểu . Cần phải đọc và nghiên cứu nhiều hơn nữa mới thấy hết tầm cao giá trị của thơ văn Người . Tuy nhiên , chỉ bấy nhiêu cũng cho ta thấy sở dĩ các tác phẩm của cụ Đồ sống
 mãi vì nó gần gũi với nhân dân . Đó chính là lời ăn tiếng nói , là suy nghĩ và tình cảm của nhân dân . Từ đó đã hình thành một phong cách nghệ thuật riêng cho ông , góp phần quan trọng vào dòng văn học yêu nước Nam bộ thời chống Pháp  .
                                                                                              LÊ NGỌC THẠC
                                                                    (PCN.CLB.Thơ Ca Mây Hồng-Tỉnh Đồng Tháp)
                        CÂU ĐỐI TẾT-NÉT VĂN HÓA ĐẸP
                                             NGÀY XUÂN

                  C âu đối là thể loại văn biền ngẫu, gồm 2 vế đối nhau nhằm biểu thị tư tưởng, tình cảm của người viết trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong cuộc sống. Câu đối là một trong những thể loại quan trọng của nền văn học Việt Nam. Nội dung câu đối bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng ở đây chỉ xin nêu đôi điều cảm nhận về những câu đối xuân hay, tiêu biểu mà thôi .

                  Tết đến, nhà nào cũng treo đèn kết hoa, chuẩn bị bàn thờ gia tiên, chăm lo cành đào phương Bắc, chậu mai phương Nam, cỗ bàn thật vừa ý. Thế nhưng Tết lại không thể thiếu câu đối Xuân được. Có người tự viết câu đối, nhưng phần lớn là thuê viết và người làm công việc này là những ông Đồ viết chữ đẹp.

                                                       Mỗi năm hoa đào nở
                                                    Lại thấy ông đồ già
                                                       Bày mực tàu giấy đỏ                                          
                                                       Bên phố đông người qua 
                                                    Bao nhiêu người thuê viết
                                                    Tấm tắc ngợi khen tài
                                                 “ Hoa tay thảo những nét
                                                    Như phượng múa rồng bay …”
                                                                              ( Ông đồ - Vũ Đình Liên ).
                   Câu đối Xuân ( Xuân liên ) nói riêng và câu đối nói chung có thể chia làm 2 loại, căn cứ vào hình thức văn tự : Câu đối Hán-Việt và câu đối thuần Việt .

                    I-CÂU ĐỐI HÁN-VIỆT :
                      1- Câu đối cầu thọ, cầu phúc :
                                   Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
                                    Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
                      Nghĩa : Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ 
                                    Xuân khắp trời đất, phúc khắp nhà .  
                                    Phước thâm tự hải   
                                    Lộc cao như sơn
                      Nghĩa : Hạnh phúc nhiều sâu như biển
                                    Của cải nhiều cao như núi .  
                                    Tân niên hạnh phúc bình an tiến  
                                     Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
                       Nghĩa : Năm mới hạnh phúc bình an đến
                                     Ngày xuân vinh hoa phú quý về .
                                     Phước lộc thọ tam tinh cùng chiếu
                                     Thiên địa nhân nhất thể đồng xuân
                       Nghĩa : Ba vì sao phước, lộc, thọ đều cùng chiếu sáng
                                    Trời, đất, con người cả ba đều hưởng xuân .
                                     Môn đa khách đáo thiên tài đáo
                                     Gia hữu nhân lai vạn vật lai
                       Nghĩa : Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến
             Nhà có người vào, lắm vật vào.

2- Câu đối bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên:
             Tuế hữu tứ thời xuân thủ
             Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
Nghĩa: Năm có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu
             Người có trăm nết, chữ hiếu trước hết
             Tổ tông công đức thiên niên thịnh
             Tôn tử hiếu hiền vạn đại lưu
Nghĩa : Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh
             Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu .

                        3- Câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới 
                                     Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
                                     Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh

                        Nghĩa : Non nước thanh cao xuân mãi mãi
                                     Thần tiên vui thú cảnh đời đời .                 
                                     Xuân phong yểm ánh thiên niên liễu                    
                                     Noãn vũ tình khai nhất kính hoa

                         Nghĩa : Gió xuân phất phơ bóng liễu ngoài trước ngõ

                                      Mưa tạnh rồi hoa nở đầy mặt gương .

                                     Đào hạnh mãn viên xuân tự cẩm

                                     Chi lan nhiễu thế tọa ngưng hương

                         Nghĩa : Hoa đào, hoa hạnh nở đầy vườn, xuân đẹp như gấm vóc

                                      Cỏ lan, cỏ chỉ mọc quanh thềm, chỗ ngồi ngát hương.
                                      Phương thảo xuân hồi y cựu lục
                                      Mai hoa thời đáo tự nhiên hương
                         Nghĩa : Mùa xuân trở lại, đám cỏ thơm xanh biếc như xưa
                                      Đến lúc hoa mai về, tự nhiên có hương thơm .
                                      Bách lý xuân phong hồi thảo dã
                                      Tứ thời hòa khí cập thương sinh
                         Nghĩa : Gió xuân từ trăm dặm thổi về chốn đồng quê
                                      Mong cho bốn mùa đều có hòa khí phổ cập đến .
           Trên đây là những câu đối Hán-Việt tiêu biểu, thường được nhắc đến.
           Việc xác định tác giả cho các câu đối này gặp rất nhiều khó khăn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên câu đối cổ thường bị khuyết danh hoặc bị lẫn lộn về tên tác giả . Ví dụ như để được trân trọng, người ta hay nhờ các danh nho viết hộ rồi để tên mình, sau đó đem tặng cho người khác. Vì vậy, xin được phép không thể nêu tên tác giả của những câu đối Hán-Việt đã trích dẫn .
                 I- CÂU ĐỐI THUẦN VIỆT :
             Câu đối thuần Việt thì rất nhiều, nhưng ở đây xin trích dẫn một số câu đối tiêu biểu của các nhà thơ nổi tiếng ở nước ta có liên quan đến ngày Xuân .
                         1- Bà huyện Thanh Quan :
                                   Duyên với văn chương nên dán chữ             
            Nợ cùng trời đất phải trồng nêu .
                         2- Hồ Xuân Hương :
        - Tối ba mươi, khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới ;
          Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào .
              ( Đây là một trong những câu đối tuyệt bút của văn học Việt Nam ).
                         3- Nguyễn Công Trứ :
          - Tết đến không tiền lo chi Tết
             Xuân về hết gạo đón chi Xuân .
                                  - Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi
  Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng .             
 .                                - Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa ;
                                     Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà .
                                  - Chọc trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết ;
                                     Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng mồng một rứa cũng Xuân .
             ( Những câu đối này, Nguyễn Công Trứ viết lúc còn hàn vi. )
                         4- Trần Tế Xương ( Tú Xương ) :
                                  - Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ ;
                                    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh .
                          ( Đây là câu đối quen thuộc, ai cũng biết ).
- Thiên hạ xác rồi, còn đốt pháo
                                     Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi .
           ( Tập tục nước ta ngày xưa là đốt pháo vào dịp Tết, tối ba mươi tháng chạp lại rắc vôi hình cánh cung ở ngoài ngõ để trừ tà ma. Câu đối còn có ý than thở cho thế thái nhân tình .)
                                   - Nực cười thay ! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết ;
                                     Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân .
- Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột
                                     Lập lòe trên vách, bức tranh gà .
- Không dưng Xuân đến chi nhà tớ
                                     Có lẽ trời nào đóng cửa ai .
                                    - Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh ;
                                      Năm mới khác gì năm cũ, van người bán muối với mua vôi .
                         5- Nguyễn Khuyến :
                                    - Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu, ủa Tết ;
                                      Sáng mồng một, lắng tai nghe tiếng pháo, ờ Xuân .
             ( Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ khi về già thì đôi mắt gần như bị lòa nên cụ mượn lời một người mù ngớ ngẩn, nghe cũng buồn cười ).
- Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
                                       Xuân về, bút mới thử vài trang .  
- Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
                                       Tóc râu thêm sợi tuổi trời cao . 
- Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết ;   
                                       Ứơc gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân .
- Tối ba mươi nợ réo tít mù, ờ ờ Tết ;
   Sáng mồng một rượu say túy lúy, à à Xuân .
                                     - Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó;
                                       Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo .  

                         6- Vài câu đối Xuân độc đáo, xem cho vui :   
                                      - Năm chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột ;
                                        Tết trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu ?
                                                            ( GS. Văn Như Cương-Viết năm 2009 )
- Tết túng tiền tiêu, toan tính tìm tay tử tế ;
  Xuân xài xu xịn, xong xuôi xuống xưởng xác xơ .
                                                                                            ( Khuyết danh )
- Thầy giáo tháo giầy đi chợ Tết ;
  Giáo chức dứt cháo dự hội Xuân .
                                                        ( Khuyết danh )
               Ngày nay, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong nhịp sống hối hả đó, vào mỗi dịp Tết đến, người ta vẫn còn thấy xuất hiện bên trong các chợ và trên vỉa hè thành phố hình ảnh ông Đồ rất đẹp. Ông ngồi trên đôi gót chân, tay cầm bút lông chấm vào mực Tàu dằm trong cái nghiên rộng. Rất nhiều người vây quanh ông để nhờ viết chữ hoặc câu đối Xuân về dán trong nhà mừng năm mới .
               Hàng năm, như đã thành thông lệ đẹp vào những ngày Tết, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ( Hà Nội ) lại tổ chức thư pháp, thư họa . Dịp này một số danh nho và nhà viết thư pháp nổi tiếng như Bùi Hạnh Cẩn, Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Trần Lê Văn … được mời đến viết câu đối Tết. Hương xưa khơi dậy, thu hút hàng ngàn người Việt Nam cùng khách quốc tế tham gia và chiêm ngưỡng .
                Thời gian trôi đi như dòng chảy bất tận, nhưng hình ảnh ông Đồ vẫn còn đó và sống mãi trong thơ ca. Còn câu đối Xuân và câu đối nói chung luôn là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học, một nét văn hóa đẹp trong đời sống dân tộc Việt Nam .

                                                                                         LÊ NGỌC THẠC
                                                         (PCN.CLB.Thơ Ca Mây Hồng TP.Cao Lãnh-Đồng Tháp)